Đồng Văn Hùng và mẹ - nhân vật chính của kênh Ẩm thực mẹ làm

Chiều ngày 2/2/2013, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thăm và chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh. Cùng đi có Trung tướng Phí Quốc Tuấn – Tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thủ Đô Hà Nội.

Đón tiếp đoàn về phía huyện Mê Linh có các đồng chí Lưu Tiến Long – Thành ủy viên – Bí thư Huyện ủy; Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Xuân Trường – Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy.

Đại tướng Phùng Quang Thanh – Ủy viên Bộ chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng        tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh

Tại buổi gặp mặt, sau khi nghe đồng chí Lưu Tiến Long – Thành ủy viên - Bí thư Huyện ủy báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2012, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị , văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. Đại tướng chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục đoàn kết, cố gắng để hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2013.

Thay mặt Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Đ/c Lưu Tiến Long – Thành ủy viên - Bí thư Huyện ủy đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh và mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của Đại tướng với quê hương Mê Linh.

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Huyện ủy – HĐND – UBND huyện.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trồng cây lưu niệm tại khuôn  viên  trụ sở Huyện ủy – HĐND - UBND huyện

Buổi chiều cùng ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và chúc tết BCH QS huyện, gặp mặt các đồng chí trưởng, phó các Ban liên lạc Cựu chiến binh huyện. Đại tướng chúc cán bộ chiến sĩ BCH Quân sự huyện đón tết vui vẻ, an toàn và tiết kiệm. Đồng thời Đại tướng cũng mong muốn trong năm 2013Ban chỉ huy Quân sự huyện cần chú trọng  làm tốt một số nhiệm vụ quan trọng như: công tác tuyển quân,duy trì kỷ luật quân đội, công tác hậu cần quân đội,…vv/

Đại tướng Phùng Quang Thanh chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạoHuyện ủy – HĐND – UBND huyện Mê Linh

Huyện Mê Linh hiện có 18 xã thị trấn, diện tích tự nhiên hơn 14 nghìn ha với hơn 19 vạn dân. Là một huyện cổ - một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nhân dân trong huyện không chỉ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng mà còn rất giàu truyền thống văn hoá

Huyện Mê Linh hiện có 18 xã thị trấn, diện tích tự nhiên hơn 14 nghìn ha với hơn 19 vạn dân. Là một huyện cổ - một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nhân dân trong huyện không chỉ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng mà còn rất giàu truyền thống văn hoá. Cùng với truyền thống văn hoá chung của cả nước, Mê Linh còn chịu ảnh hưởng của 3 nền văn hoá đặc biệt. Đó là truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, đoàn kết trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, Mê Linh còn chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Kinh Bắc xưa, đó là truyền thống hiếu học, sáng tạo trong chiến đấu, lao động sản xuất và giàu tính nhân văn. Và cùng với truyền thống của văn hoá làng, Mê Linh còn chịu ảnh hưởng của nền văn hoá đô thị, văn minh công nghiệp, của hệ thống giáo dục và đào tạo của thủ đô Hà Nội.

Qua quá trình phát triển, ba nền văn hoá trên đã hoà quyện vào nhau tạo thành một truyền thống và bản sắc văn hoá đặc sắc của người Mê Linh. Truyền thống văn hoá ấy đã và đang là nền tảng tinh thần của nhân dân Mê Linh, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm gần đây cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong những năm qua, huyện Mê Linh luôn kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế với phát triển văn hoá. Tích cực đẩy mạnh phong trào:“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, kỷ niệm ngày truyền thống. Xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá. Đến nay, toàn huyện có trên 30 nghìn gia đình văn hoá, 65/92 làng, thôn, tổ dân phố văn hoá (trong đó có 27 làng văn hoá cấp tỉnh) và 18 đơn vị văn hoá.

Với phương châm vừa đầu tư, vừa xã hội hoá công tác văn hoá, huyện Mê Linh đã tạo được phong trào quần chúng sôi nổi tham gia các hoạt động văn hoá từ các làng xã đến các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các trường học trong toàn huyện. Văn hoá ở huyện vừa phát huy truyền thống vừa mang tính hiện đại. Các giá trị văn hoá truyền thống được khơi dậy mạnh mẽ và biểu hiện rõ nhất trong các lễ hội truyền thống, trong các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian, trong cuộc thi các môn thể thao dân tộc ở các làng với hàng nghìn người tham gia, tạo nên bầu không khí cộng đồng hết sức phấn khởi, đầm ấm, có tác dụng giáo dục nhớ về cội nguồn, động viên mọi người hăng say lao động, sản xuất công tác và học tập.

Công tác tổ chức, quản lý và chỉ đạo các lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thuần phong mỹ tục của huyện. Các sinh hoạt lễ hội bước đầu có nền nếp, tiêu biểu nhất là lễ hội Hai Bà Trưng. Việc sưu tầm, nghiên cứu giới thiệu các di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm đúng mức. Các di sản văn hoá vật thể được bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Toàn huyện có 179 di tích, đến nay đã có 27 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, 42 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tiêu biểu như di tích lịch sử văn hoá Quốc gia đền Hai Bà Trưng, di tích lịch sử văn hoá Đồi 79 Mùa xuân. Thông qua các hoạt động văn hoá đã khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân với truyền thống cách mạng của quê hương, từ đó kết hợp giữa các hoạt động văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc với xây dựng các giá trị văn hoá tiên tiến.

Bước vào thời kỳ CNH – HĐH, để góp phần xây dựng huyện Mê Linh trở thành vùng kinh tế trọng điểm, một đô thị lớn, hiện đại trong tương lai, nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng đời sống văn hoá Mê Linh đang đặt ra những yêu cầu mới với nhiều thách thức. Đó là phải xây dựng con người Mê Linh, nếp sống Mê Linh vừa có phong cách công nghiệp và văn minh đô thị vừa thể hiện bản sắc đặc thù của vùng đất giàu truyền thống văn hoá.

Trong quá trình thực hiện CNH – HĐH, văn hoá là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kích thích sáng tạo, năng động; đồng thời văn hoá còn giúp mỗi con người, mỗi gia đình vươn tới một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, kỷ cương phù hợp với nếp sống công nghiệp và đô thị.

Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”, xây dựng huyện Mê Linh trở thành một đô thị hiện đại và văn minh, từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo, sự nghiệp văn hoá của huyện phát triển với những nhiệm vụ chính như sau:

Một là: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người mới có tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá lành mạnh, có phong cách công nghiệp và văn minh đô thị.

Hai là: Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú.

Ba là: Từng bước nâng cao chất lượng hệ thống thông tin đại chúng và hoạt động văn hoá văn nghệ.

Bốn là: Bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá đồng bộ, hiệu quả.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, huyện Mê linh triển khai những giải pháp lớn là:

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực làm việc, đạo đức, lối sống cho cán bộ và nhân dân trong toàn huyện.

- Tăng cường phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, nâng cao nhận thức của nhân dân về những giá trị văn hoá cao đẹp, đặc biệt là các tiêu chí về văn hoá công nghiệp và nếp sống đô thị, ngăn chặn sự xâm nhập của văn hoá độc hại, phản động. Đồng thời thực sự coi văn hoá là nền tảng tinh thần của nhân dân trong huyện, là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục triển khai toàn diện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá, phong trào “Người tốt việc tốt” làm cho mỗi gia đình, mỗi làng xã, mỗi đơn vị đều trở thành một cơ sở văn hoá, tôn vinh nếp sống của người dân Mê Linh, của người dân thủ đô Hà Nội thanh lịch.

- Mặt khác tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cổ động. Tổ chức điều tra, quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn huyện. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ cộng đồng, hướng mọi người dân đến với Chân - Thiện - Mỹ. Thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá, làm cho người dân không chỉ là người hưởng thụ mà còn là người sáng tạo văn hoá, là chủ nhân thực sự của đời sống văn hoá của cộng đồng.

Đình Cả thuộc thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Theo truyền thuyết, đình Cả thờ Hoàng Tuyển, hiệu là Quốc Hoàng đại vương, người đã có công giúp Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục.

Đình được xây dựng trên một khu đất rộng thuộc địa phận xóm Chùa, sát đường liên xã. Tục truyền đình Cả được làm trên lưng con Phượng Hoàng, phía trước có hồ nước trong. Theo cuốn Niên biểu Việt Nam và căn cứ vào tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng (1740 -1786) lưu trong đình kết hợp với kiểu dáng kiến trúc hiện còn cùng với nghệ thuật điêu khắc dân gian của ngôi đình cho chúng ta thấy được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Kiến trúc ngôi đình theo kiểu chữ “công” và quay về hướng tây chếch nam.

Toà Đại đình gồm 5 gian 2 mái, 6 hàng chân cách thức vì tạo kiểu giá chiêng chồng rường hạ bẩy. Riêng hai vì kèo, hai đốc mái kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng. Từ cột cái đến các cột quân là những khối gỗ to gác lên nhau đỡ đòn tay tạo thành bức cốn nách chạm khắc các hình vân xoắn, đao mác trau chuốt, điêu luyện. Từ cột quân đến cột hiên vươn ra hai mái là hai kẻ to, nặng được đục chạm mặt hình rồng vây mác tua tủa, hai bên thân tròn, đuôi thẳng như đuôi cá, xung quanh chạm khắc hình vân xoắn, đao mác, sóng nước, hoa lá,… xung quanh Đại đình có khung cửa làm theo kiểu thượng song hạ xây tường. Riêng ba cửa chính giữa được làm theo kiểu thượng song hạ bản, khiến cho đình thông thoáng, mát mẻ.

Ống muống được xây nối liền với Đại đình bởi hệ thống xà và dui, thượng lương với hệ thống cột cái gian chính giữa chạy dọc về phía sau gắn kết với toà Hậu cung chạy ngang tạo thành chữ “công”. Phần ống muống có diện tích mặt bằng khá rộng gồm 2 gian, 4 hàng chân cao bằng Đại đình. Mái được làm hai mái, toàn bộ phần ống muống được làm trần ván. Phần kết cấu được đặt trên 4 cột cái, vì kèo trên làm theo kiểu thượng rường hạ bẩy.

Hậu cung gồm 3 gian được xây theo kiểu tường hồi bít đốc nền cao hơn Đại đình có 4 hàng chân cột cái. Mái được làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng bốn mái. Phần cổ diêm giữa hai mái được bưng kín bằng những ván mỏng, các bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Gian giữa Hậu cung làm sàn cách nền 2,10m để đặt long ngai, nơi toạ lạc của Thành hoàng làng. Phần này được ngăn cách bởi bộ cửa bức bàn vẽ trang trí tứ linh và sơn son thếp vàng lộng lẫy, xung quanh được bưng ván, làm trần ván gỗ mỏng.

Cùng với quy mô kiến trúc đồ sộ, nguy nga, đình Cả còn lưu giữ được nhiều bức chạm trổ đẹp trên các bức cốn nách, kẻ, bẩy, dép hoành, đầu dư… điển hình như: Bốn bức cốn nách gian giữa toà Đại đình được trang trí chủ yếu là hình rồng với thân nhỏ, gấp khúc, vây cá chép, đao mác mập đầy, đuôi vung ra. Đầu rồng không mấy giữ tợn, bờm tóc ngắn, miệng há rộng, mũi to, mắt lồi, râu vểnh. Riêng hai bức cốn phía trong bên cạnh hình rồng càm chữ “thọ” là các hoạ tiết trang trí hình trám lồng với các hoạ tiết vân xoắn, đao mác đã tạo nên một bức chạm khá sinh động, mạnh mẽ, song không kém phần uyển chuyển.

Hai bức chạm cốn trước cửa Hậu cung trang trí là hình rồng phun nước, dưới cột nước có hình cá chép. Rồng với đuôi xoắn, đao mác mập đầy. Bên cạnh hình rồng là long mã đầu và thân được thể hiện hình rồng, 4 chân co lên trong thế phi nước đại, thần quy lạc thú bơi trong hồ nước, phượng đứng trong thế đậu cùng với các hoạ tiết sóng nước, hoa lá sen, vân xoắn, đao mác. Bức chạm bên trái được thể hiện là 4 hình rồng thân nhỏ, vây mác mập đầy. Riêng hình rồng lớn thể hiện rõ đuôi xoắn tạo thành như bông hoa. Bên cạnh các hình rồng là hình phượng đậu.

Dưới câu đầu là một hệ thống đầu dư được trang trí theo kiểu chạm lộng. Tám đầu dư thể hiện hình rồng với tư thế nhìn thẳng, đao mác lối râu trê.

Đình Cả còn có một số di vật cổ độc đáo, đặc biệt là các di vật bằng đồng và di vật là các đồ thờ bằng gỗ được trạm trổ khá tinh xảo, tỉ mỉ tạo nên sự hài hoà tinh tế mang đầy tính sáng tạo, khả năng tư duy và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thời trước.

Đình Cả đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997.

Đền Tây Xá thuộc thôn Tây Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Đền được xây dựng trên một khu đất cao ráo, thoáng mát, xung quanh là khu dân cư thôn Tây Xá đông đúc trù phú, kế tiếp từ bao thế hệ đã cùng nhau xây dựng vào khoảng thể kỷ XIX quay theo hướng tây nam, kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm 2 toà: Tiền tế và Hậu cung.

Toà Tiền tế đền Tây Xá gồm 5 gian 2 chái. Kiến trúc của toà Tiền tế làm theo kiểu chồng rường hạ bẩy, cột và các vì kèo bào trơn, gia cố cẩn thận theo mực thước chính xác, phía trước có 3 ô cửa chính, ngoài hiên có 2 cột trụ xây gạch hình vuông, xung quanh được xây tường gạch chắn, mái lợp ngói âm..

Toà Hậu cung của đền gồm 3 gian dài kiến trúc cũng làm theo kiểu chồng rường hạ bẩy.

Theo thần tích, đền Tây Xá thờ 3 vị là: Nàng Ả, Nàng Lã và Nàng Mỵ (Ả  Nương, Lã Nương, Mỵ Nương) là những tướng lĩnh đã giúp Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước trong những năm đầu Công nguyên. Tuy quy mô kiến trúc không đồ sộ, song đền Tây Xá còn lưu giữ được nhiều bức chạm trổ trên các cốn mê, cốn nách, xà rồng với các đề tài: long, ly, quy, phượng, hoa lá, mây cụm, sông nước phản ánh tư duy sáng tạo, đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Đền Tây Xá nằm trong hệ thống di tích thờ các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thời kỳ đầu Công nguyên trên vùng đất Mê Linh. Với cảnh quan đẹp ven sông, đền là một địa điểm thuận lợi giúp cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống.

Đền Tây Xá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1993.

Đền Chi Đông thuộc thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Đền Chi Đông được xây dựng ở địa thế đẹp, thoáng mát. Bao bọc quanh khu đền là xóm làng trù phú, phía trước là khoảng sân rộng tiếp nối với chợ cổ Chi Đông.

Đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “đinh” gồm 2 toà: Tiền tế 3 gian, Hậu cung 2 gian. Mặt trước toà Tiền tế gồm 4 cột trụ vuông và 3 cánh phong được bố trí liên kết thành một tác môn rất đẹp. Cửa chính giữa vào đền xây vòm cuốn, bên trong là cánh phong kiểu tháp 2 tầng có trang trí hình rồng chầu đỉnh, lư, lọ, hoa… hai bên cửa chính là 2 cột trụ có đắp nổi hình hổ phù long, ly, quy, phượng; đỉnh cột tạo thành hình quả dành, thân cột có đôi câu đối gắn bằng sành, sứ.

Tiếp đến là 2 cửa sổ ứng với 2 gian bên của đền, trên cửa là hai cánh phong và ngoài cùng là hai cột trụ thấp nhỏ hơn. Thân các cột này cũng gắn đôi câu đối.

Tiền tế có kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái, kết cấu vì kèo kiểu chồng bồn.

Hậu cung có kiến trúc, chồng rường giá chiêng. Nền đền lát gạch bát chín, chân cột kê đá và mái lợp ngói mũi cổ.

Đền Chi Đông thờ Trương Hống, Trương Hát là hai người anh hùng đã có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược.

Đền Chi Đông được làm với kiểu dáng kiến trúc khoẻ đẹp, chạm trổ tinh tế có giá trị quý về nghệ thuật.

Đền Chi Đông được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.